Trò chơi dân gian có mặt từ lâu đời và trở thành một nét văn hóa tiêu biểu của người Việt Nam. Ngày nay khi những trò chơi điện tử, trò chơi công nghệ hiện đại ra đời thì trò chơi dân gian vẫn tồn tại song song và nó còn nguyên giá trị. Không chỉ mang lại những giây phút thư giãn mà trò chơi dân gian còn mang đến nhiều ý nghĩa tích cực, mang lại những bài học bổ ích mà cực kì an toàn cho trẻ khi chơi. Dưới đây là một số trò chơi dân gian còn bố mẹ, thầy cô có thể hướng dẫn bé chơi dù bất cứ nơi đâu.
Xem thêm: Top 5 trò chơi cho trẻ mầm non hay nhất
Trò chơi đua xe -luôn thú vị và chưa bao giờ hết sức hút đối với trẻ
Trò chơi dân gian oẳn tù tì (kéo – búa -giấy)
Trò chơi này có thể chơi khi có 2 người. Mọi người có thể tay đong đưa và hát giai điệu quen thuộc:
“Oẳn tù tì
Ra cái gì?
Ra cái này!”
hoặc đếm 1, 2, 3 và sau khi kết thúc thì mọi người cùng xòe tay ra theo hình. Nắm đấm là búa, Giơ ngón trỏ và ngón giữa là kéo, xòe cả bàn tay là giấy. Tìm ra người thắng cuộc theo hình thức búa đập kéo, kéo cắt lá, lá đùm bao.
Hoặc nếu đông hơn 2 người thì có thể chơi theo hình thức oằn tù tì: Đếm 1, 2, 3 và sau klhi kết thúc mọi người cùng xòe tay ra theo hình ngửa lòng bàn tay hoặc để sấp. Số lượng người để tay mặt nào ít hơn thì người đó thắng và loại dần cho đến khi còn 2 người thì chơi kéo, búa, bao theo hình thức trên.

Trò chơi dân gian bịt mắt bắt dê
Đây là trò chơi nhóm đông vui, thú vị giúp bé rèn luyện thể chất, tính nhanh nhạy và gắn kết các bạn với nhau. Cách chơi cực kì đơn giản, đó là tìm ra một người bịt mắt và một người làm dê hoặc chỉ cần một người bịt mắt và những người còn lại làm dê.
Cụ thể: Cách 1. cho trẻ chơi oẳn tù tì để tìm ra một người làm dê và một người bịt mắt. Người thắng làm dê còn người thua bịt mắt. Những người còn lại sẽ nắm tay nhau tạo thành vòng tròn và xoay thành vòng. Người bịt mắt phải tìm người làm dê và khi bắt được thì đổi người bịt mắt.

Cách 2. Các bé sẽ làm dê và chạy xung quanh người bịt mắt. Có thể chạm vào vai, vào tay và trêu chọc người bịt mắt nhưng cố gắng đừng để người bịt mắt bắt lấy mình. Còn người bịt mắt cố gắng bắt lấy những người xung quanh và khi bắt được ai đó thì phải đoán tên người mình bắt được. Nếu đoán đúng thì thay đổi người bịt mắt còn nếu đoán sai thì trò chơi tiếp tục như cũ.
Trò chơi chi chi chành chành
Trò chơi dân gian này có thể chơi từ 3 người trở lên. Cách chơi là chọn một người xòe bàn tay ra để những bạn còn lại giơ ngón trỏ ra và vào lòng bàn tay người đó. Người xòe bàn tay ra đọc nhanh bài đồng giao:
“Chi chi chành chành
Cái đanh thổi lửa
Con ngựa đứt cương
Ba vương ngũ đế
Chấp chế đi tìm
Ù à ù ập”
Khi đọc đến chữ “ập” thì người xòe tay nhanh chóng nắm tay lại, còn những người khác rút tay ra thật nhanh để không bị bắt lại. Nếu người nào bị bắt tay lại thì người đó thua và phải thế vị trí xòe bàn tay ra, đọc bài đồng giao để những bạn khác cùng chơi hoặc là có một hình phạt nho nhỏ nào đó. Với trò chơi này giúp bé rèn luyện phản xạ nhanh và các em thêm gắn kết với nhau hơn.

Trò chơi mèo đuổi chuột
Trò chơi dân gian mèo đuổi chuột giúp bé rèn luyện thể chất, sự nhanh nhẹn và mang đến những tiếng cười sảng khoái. Cách chơi rất đơn giản:
Cho bé sắp hàng thành 2 vòng tròn, vòng tròn nhỏ bên trong, vòng tròn lớn bên ngoài. Chọn ra 2 bé làm mèo và chuột quay lưng lại với nhau trong vòng tròn nhỏ. Khi có hiệu lệnh thì chuột chạy và mèo đuổi theo chuột. Các bạn sẽ đọc to bài vè:
Đã là Mèo
Phải bắt Chuột
Bắt được Chuột
Là chén liền
Đã là chuột
Trông thấy Mèo
Phải chạy ngay.
Khi mèo bắt được chuột ở hang nào thì 2 bé đó sẽ thế chỗ làm mèo và chuột, còn 2 bé vừa rồi sẽ vào chỗ hang 2 bạn đứng.

Trò chơi dân gian rồng rắn lên mây
Với trò chơi dân gian này bé sẽ giúp bé trở nên nhanh nhẹn, hoạt bát và rèn luyện thể chất hiệu quả. Cách chơi là chọn một bé làm ông chủ và những bé còn lại sẽ xếp hàng nối đuôi nhau. Các bé vưa đi vừa đọc bài đồng giao:
‘”Rồng rắn lên mây
Có cái cây lúc lắc
Có cái nhà điểm binh
Có ông chủ ở nhà không?”
Khi đọc đến câu ông chủ có nhà không thì trẻ sẽ dừng lại trước mặt ông chủ. Ông chủ sẽ trả lời có hoặc không. Nếu ông chủ trả lời không thì rồng rắn sẽ tiếp tục đi. Nếu ông chủ trả lời có thì đối thoại:
Ông chủ: Cho xin khúc đầu?
Cả nhóm: Những xương cùng xẩu
Ông chủ: Cho xin khúc giữa?
Cả nhóm: Chả có gì ngon
Ông chủ: Cho xin khúc đuôi?
Cả nhóm: Tha hồ mà đuổi.
Lúc đọc xong thì ông chủ phải đuổi bắt khúc đuôi (người cuối cùng). Các bạn phải né ông chủ và không được làm đứt nhau ra. Nếu ông chủ bắt được người cuối cùng thì bạn đó sẽ thế chỗ ông chủ.

Trên đây là 5 trò chơi dân gian tiêu biểu. Ngoài ra, thầy cô, bố mẹ có thể chọn lọc thêm những trò chơi khác và tổ chức để bé cùng tham gia. Hi vọng những trò chơi dân gian luôn là một phần trong chương trình giáo dục trẻ nhỏ để chúng ta cùng lưu giữ những nét văn hóa tốt đẹp này.